Danh Mục Sản Phẩm

Đăng Nhập

Khách Hàng Online

Đang có 303 khách và không thành viên đang online

Phù Thuật Việt Nam

PDFInEmail
Tôi phải nói ngay đây là một cuốn sách hấp dẫn lạ thường. Tại sao tôi dám quả quyết như vậy? Thưa là vì tôi đã bị cuốn sách này của Bác Sĩ Lê Văn Lân cho vào “mê hồn trận” ngay từ mấy trang đầu, không thể bỏ nó xuống được.
Đánh giá: Chưa có đánh giá
Giá:
Giá bán: 300.000 vnđ
Giá chưa thuế: 300.000 vnđ
Chi tiết

Tôi phải nói ngay đây là một cuốn sách hấp dẫn lạ thường. Tại sao tôi dám quả quyết như vậy? Thưa là vì tôi đã bị cuốn sách này của Bác Sĩ Lê Văn Lân cho vào “mê hồn trận” ngay từ mấy trang đầu, không thể bỏ nó xuống được. Có thể nói “ma lực” của cuốn sách đã khiến tôi dẹp ngay cái công việc khẩn cấp là chấm bài thi ra trường của các sinh viên sang một bên, không một mảy may e ngại, để ngồi đọc hết luôn cuốn sách một cách thú vị và bổ ích vô cùng. Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ cuốn PTVN mà tác giả đã ưu ái gửi tặng. Và khi ôm ấp cuốn sách đó trong tay, tôi có ngờ đâu là mình đã tìm thấy cho mình một gốc rễ tinh thần cũng như một lạc thú tâm linh hiếm quý!

Quả thực, qua một lối viết vừa hấp dẫn vừa uyên bác, cuốn biên khảo này đã phơi bầy ra một cách rành rẽ cái tiềm thức tâm linh kỳ bí của người Việt, một điều mà quý vị cũng như tôi rất muốn tìm hiểu nhưng chưa có phương tiện, vì như chúng ta đã rõ, các tài liệu trước đây viết về nếp sống người Việt thì chỉ đề cập sơ sơ và mơ hồ về thế giới tâm linh kỳ bí này. Để tránh mọi hiểu lầm, tôi xin thưa cùng quý vị rằng PTVN là một công trình biên khảo nghiêm túc về văn hóa dân tộc, và tác giả của nó, một y khoa bác sĩ, tuyệt đối không phải là một đạo sĩ hay pháp sư tuyên truyền về dị đoan trong sự trị bệnh. Như ông đã xác quyết trong phần mở đầu cuốn biên khảo, “Chúng ta thiết tưởng phải gột bỏ định kiến coi bùa chú là ‘dị đoan’ mà chúng ta nên có thái độ mở rộng tâm trí mà nghĩ rằng đó là những vấn đề thuộc phần tiềm thức hay linh thể trong lãnh vực của một nền văn hóa cổ xưa, và đường hướng thích nghi nhất là phải điều tra, khảo sát và phân tích cái nền tảng tín ngưỡng của dân Việt Nam ta qua giòng lịch sử triết lý và văn hóa” (trang 34).

Dưới con mắt của tôi, một nhà giáo đã dạy học hơn ba chục năm tại Mỹ, cuốn biên khảo này có nhiều ưu điểm lắm, và hầu như hội đủ những tiêu chuẩn quan yếu nhất của một sách giáo khoa (textbook) có giá trị cao trong các trường đại học xứ này.

Thứ nhất, PTVN là một cuốn sách rất “dễ dùng” (user-friendly), nhờ vào in ấn trang nhã, hình ảnh hấp dẫn, chữ in khổ lớn dễ đọc, sự phân chia nội dung của sách ra từng phần và từng chương rất hợp lý và nhất quán, và năm trang mục lục chi tiết ở ngay đầu cuốn sách là điểm son cho tiêu chuẩn này. Nhìn vào mục lục đầy ắp chủ đề hấp dẫn được xếp đặt mạch lạc, người đọc sẽ có cảm tình ngay với cuốn sách này và thêm tin tưởng vào khả năng trình bầy những kiến thức, những phát hiện mới của tác giả một cách có hệ thống.

Thứ hai, nội dung được thể hiện một cách trong sáng (lucid exposition) để người đọc hiểu ngay, và có mối liên kết lớp lang (cohesion) để người đọc có được cái nhìn toàn diện mạch lạc để tránh khỏi bị hụt hẫng. Văn phong của tác giả luôn sáng sủa, thanh lịch, bình thản, với những ẩn dụ nên thơ rải rác đó đây. Đáng quý thay lời nhận định khiêm cung của tác giả khi ông thấy các công trình đồ sộ của người Trung hoa, Nhật bản, và Tây phương nghiên cứu về pho kinh điển của Đạo giáo: “Nhìn lại công trình khảo sát của thiên hạ, chúng ta mới quả thấy mình như chim chích lạc vô rừng sâu” (trang 19). Nhưng con chim chích khiêm hạ đầy thiện tâm thiện chí này đã mạnh bạo một mình bay vô cõi rừng u linh ấy, mê say học hỏi trong một thời gian đằng đẵng, rồi bay ra khỏi cánh rừng để chia xẻ những điều đã học hỏi được một cách lớp lang tuần tự, trong đó các nhận định, các suy tư dính chặt vào nhau như keo sơn. Đọc trọn cuốn sách, tôi không hề bị hụt hẫng, nhờ vào cách chuyển đoạn, chuyển ý thông minh và đầy cẩn trọng của tác giả.

Thứ ba, và đây là một tiêu chuẩn “nặng ký” lắm đối với giáo giới đại học Mỹ khi lựa chọn tài liệu giảng huấn cho sinh viên: Cuốn sách cung cấp cho người đọc nhiều cơ hội phải vỗ đùi mà thốt lên “à ra thế!” mỗi khi đọc được một điều gì mới lạ đáng kể và đáng nhớ (người Mỹ gọi những giây phút hứng thú này là “the aha moments”). Nổi bật trong tiêu chuẩn này là biệt tài phân tích, so sánh, và tổng hợp các ý niệm siêu hình giữa những văn hóa Việt, Trung hoa, Ấn độ, Chàm và Miên, để người đọc có một cái nhìn tổng thể khả tín. Kiến thức vững vàng trong các lãnh vực hóa học, thực vật học, y khoa, tôn giáo, và tâm lý học phân tích của tác giả đã được sử dụng để giải thích một số hiện tượng kỳ bí. Tôi đã gật đầu, vỗ đùi, và thốt lên “à ra thế!” nhiều lần, thí dụ như khi đọc về lý do của câu nói “len lét như rắn mồng năm”, về cây ngải, cách nuôi ngải, và giải ngải, cũng như về cái hội chứng chết đột ngột bất đắc kỳ tử vào ban đêm (gọi nôm na là “ma đè”) của khoảng 100 người tỵ nạn gốc Móng (Hmong) còn trẻ và đang khỏe mạnh. Tôi cũng thấy tác giả đã làm chủ được cái bí quyết giúp đỡ người đọc “nắm vấn đề” bằng cách cung cấp những thí dụ, những giai thoại (anecdotes), những nghiên cứu hoàn cảnh (case studies) thích đáng nhất để soi sáng vấn đề đang được mổ xẻ. Nếu tác giả dạy học, tôi biết chắc ông sẽ được sinh viên đồng loạt hoan hô!

Thứ tư và sau hết, đây cũng là một tiêu chuẩn tâm lý tối quan trọng trong giáo giới chúng tôi: Nhiệt tình của tác giả cuốn sách đã lan sang cả người đọc (“contagious enthusiasm”) để kích thích họ trở thành những “nhà thám hiểm” (“explorers”) sẵn sàng đi khám phá thêm về những ý niệm trình bầy trong cuốn sách. Kích thích sinh viên trở thành các nhà thám hiểm để mang lại những phát hiện mới cho nhân loại là một trong những mục đích cao nhất của nền giáo dục đại học ngày nay. Riêng tôi, sau khi thấy tác giả trân trọng nêu tên những cuốn sách tham khảo trong đó có hai cuốn mang tên “Connaissance du Việt-Nam” của Pierre Huard và Maurice Durand (1954) và “A Dictionary of Chinese Symbols: Hidden Symbols in Chinese Life and Thought” của Wolfram Eberhard (1977) mà tôi may mắn cũng có trong tủ sách gia đình, nhiệt tình của tác giả đã tràn lan sang tôi, khiến tôi phải “lôi” hai cuốn sách ấy ra ngay mà đọc lại. Tác giả quả có con mắt tinh đời: Cả hai cuốn sách này cực kỳ uyên bác và hấp dẫn!

Theo tôi, PTVN, khi có một thư tịch (references) đầy đủ hơn và vài trang danh mục cuối sách (index), sẽ là một tài liệu giáo khoa thượng thặng. Trong cái trào lưu giáo dục đa sắc tộc, đa văn hóa đang thăng hoa ngày nay tại Mỹ, tôi uớc mong sẽ có người sử dụng tài liệu quý giá này làm chuẩn để khai phá thêm, cập nhật, và biến nó thành một luận án tiến sĩ hoặc thành một cuốn sách giáo khoa dành cho các sinh viên chuyên về nhân chủng học.

PHÙ THUẬT VIỆT NAM là sách biên khảo của một số rất nhiều dữ kiện cùng hình ảnh của bùa, chú, phép, thuật. Sách linh động không những ở những điều đọc thấy như về lá bùa Lỗ Ban, về những chòm sao Bắc Đẩu vẽ trên lá bùa… Sách còn trình bày rất nhiều khía cạnh về Luyện Bùa, Ấn Quyết, Dụng Pháp của Bùa Chú, Thư Phù, Bùa Ngãi… Sống động như các cuộc so tài giữa Pháp sư Chánh Đạo và Tà Đạo… còn có những thú vị nho nhỏ rải rác trong sách, qua những nêu dẫn rất nhẹ nhàng văn chương, ví dụ những ghi chú như: ”Con trai thì bước chân trái trước, tức là bước Xuân Thu. Con gái thì bước chân phải trước, tức bước Đông Hạ…”

Sách cho ta nhận định rằng, phù thuật bùa chú khởi nguyên là một sự chào đời do sự va chạm huyễn thực giữa cái không biết của người dân thôn dã và cái ”biết” của phù thủy/pháp sư. Cái không biết tạo nên sự sợ hãi để cái ”thấy” của người pháp sư hay phù thủy bị/được sử dụng mà lung lạc/trấn an, tạo giao động và làm lắng động tâm và trí của chúng ta. Từ sợ hãi mà có mê tín. Do từ sự bất ổn mà đi tìm cái ổn. Bất ổn là gốc rễ của sợ hãi của mê tín của cầu xin. Bùa chú phép thuật xuất hiện vì sự bất an của chúng ta, là pháp ”trấn an” và ”trấn giữ” cái tâm của con người.

PHÙ THUẬT VIỆT NAM là quyển sách có đề tài hướng những bước chân đi vào ”một khu rừng rậm u linh”. Viết về đề tài nầy, theo quan điểm của nhiều người, là đi vào thế giới của mê tín dị đoan, là đưa tầm nhìn về một đề tài khá lạc hậu trong thời đại văn minh khoa học của đầu thế kỷ 21. Thế kỷ của những phát minh điện tóan cực kỳ tinh vi chính xác và những cuộc thám hiểm ngọai tầng không gian của những vệ tinh cực kỳ khoa học. Nhưng, những tiến bộ của khoa học có đâm thủng cái màn đêm ”bí ẩn man rợ” của thế giới phù thuật để xóa bỏ được những kỳ bí đầy tính cách huyễn hoặc, thiếu khoa học nầy chưa. Thực sự khoa học dù tiến bộ vượt bực vẫn chưa ”khai mở” trọn vẹn phần tâm linh, chưa đánh đuổi hòan tòan bóng tối âm u của nhiều điều huyền bí, khi phù thuật vẫn còn tồn tại trên trái đất trong đời sống con người. Vì thế, việc viết nên quyển sách nầy dưới cái nhìn của một nhà khoa học, không lạc hậu chút nào. Trái lại, là sự kiện đem cái thấy của văn minh khoa học ”khai tỏ” thế giới của phù thuật.

Không phủ nhận nó mà biết dùng cái nhìn khoa học đi vào cái gọi là ”lạc hậu” qua con đường nội lực tâm linh, để giải thích sự tình chứng minh được sự kiện hướng đời sống con người đạt đến sự an bình là giải thể được sức mạnh ”kỳ bí” của bùa chú. Khi văn minh vật chất vẫn chưa giải quyết được những hội chứng tâm thần, khi Y khoa tiến bộ chưa đẩy lùi những yếu tố tâm linh tín ngưỡng, thì… Ông viết:

”Trong đường hướng đi vào sự khảo sát bùa chú Việt Nam, chúng ta thiết tưởng phải gột bỏ định kiến coi bùa chú là ”dị đoan” mà chúng ta nên có thái độ mở rộng tâm trí mà nghĩ rằng đó là những vấn đề thuộc phần tiềm thức hay linh thể trong lĩnh vực của một nền văn hóa cổ xưa, và đường hướng thích nghi nhất là phải điều tra, khảo sát và phân tích cái nền tảng tín ngưỡng của dân Việt Nam ta qua giòng lịch sử triết lý và văn hóa”.

Trong một lọat hình sưu tầm về bùa chú từ nhiều nơi trên thế giới, tác gỉa đã đưa vào sách những tấm hình của 40 lá bùa thông dụng. Cụ thể như Bùa làm bỏ thuốc lá, Bùa trị trẻ kinh phong, Bùa giúp làm ăn phát đạt, Bùa trừ ma quái, Bùa làm người ta yêu thương mình… Những bí ẩn ma quái của phù thủy những sức mạnh tâm lý của pháp sư như ”Thái Thượng Lão-quân với cái lò tám góc luyện-đơn, tiền-thân của những phòng thí-nghiệm hóa-học và nguyên-tử của đời nay. Và là người Việt Nam thì phải hiểu rằng, khi nhà Nguyên gốc Mông-cổ đánh nước ta thì có tên phù-thủy Phạm Nhan được phái sang để dọa nạt và lung lạc nhân-tâm mà gài cả một hệ-thống do-thám và phản gián qua những người mê tín; thanh kiếm thần của Hưng Đạo Đại-vương Trần Quốc Tuấn cũng là một sáng-tạo của các pháp-sư bản-quốc để lấy lại lòng tin của các đàn bà con gái, là một lực-lượng lớn của nước. Thanh kiếm sắc bén của Đức Trần Hưng Đạo đã chặt bay cái đầu xương thịt của tên phù-thủy mông-cổ…”

Trao đổi thư từ với Bác sĩ Lê Văn Lân mấy năm nay chúng tôi có duyên được biết ông đã ”cưu mang” tác phẩm viết về Bùa Chú nầy rất nhiều năm, thế nên chúng tôi thật sự đã có được một niềm vui rất lớn, khi nghe tin cuốn sách được thành hình.

Thiết kế hình bìa sách Phù Thuật Việt Nam cho chúng ta cảm giác kỳ bí, thân thương và hiếu kỳ.Cái cảm giác kỳ bí có, do bởi màu đen làm nền và màu đỏ với nét viết rất ”tượng hình” của chữ PHÙ THUẬT, trông như đang ẩn dạng một bí mật từ nỗi sợ hải và mê tín của con người. Chữ VIỆT NAM với màu vàng là ấn tượng thân thương ta có được. Trên màu đen làm nền trang sách, trên màu đỏ của chữ PHÙ THUẬT, màu vàng của chữ VIỆT NAM bỗng dưng rực rỡ hẳn lên. Có phải vì cái tình của chúng ta với đất nước, có phải vì màu da vàng của dân tộc Việt, có phải vì sư linh thiêng được kết chặt từ bao nhiêu đời trong dòng máu của ba miền đất nước cho ta cái cảm giác nầy. Trang bìa được thiết kế bằng màu sắc và hình ảnh rất hàm súc và sâu sắc, qua đó ta đọc thấy được nội dung của sách: Chữ PHÙ THUẬT kỳ ảo huyễn hoặc khá lớn, trình bày cái thế giới rộng lớn của bùa chú. Nhưng màu vàng rất trong sáng của hai chữ VIỆT NAM nghiêm trang thẳng và mạnh như cho thấy nơi nương vững chải của ta: Hồn thiêng sông núi Việt!

Nhà văn Võ Hương An là người thiết kế hình bìa cũng là người bạn đã đứng ra giúp để hòan tất việc in ấn quyển sách nầy, là những công việc vì lý do sức khoẻ đã làm cho tác gỉa khó thực hiện. Và theo lời kể của Bác sĩ Lê Văn Lân thì ”không có nhà văn Võ Hương An, sách PHÙ THUẬT VIỆT NAM không ra đời”. Sách được hòan thành, đứa con tinh thần được chào đời, nỗi lo đè nặng tâm lòng đã trở thành một hạnh phúc thanh thản nhẹ nhàng.

Thân tình giữa tác giả và nhà thiết kế trang bìa sách PHÙ THUẬT VIỆT NAM là một ý tưởng đột ngột hiện đến với tôi, khi cầm quyển sách nầy trong tay, và ý tưởng đó vẫn tiếp tục có, sau khi đọc xong quyển sách nầy. Một cảm nghĩ trong liên tưởng về bùa chú, sự sợ hãi, mê tín, sự an bình của thân và tâm. Sự bình an tạo tự tin và nội lực. Người có nội lực sẽ là người có hạnh phúc và có được cái nhìn khách quan vào cuộc đời, sẽ tạo được lợi ích chung.

Điểm cuối cùng là tấm gương của một sự phấn đấu để đến được đích. Tuy bệnh nặng, tác gỉa đã âm thầm ”đạp đổ những cơn đau” lặng lẽ bên máy vi tính viết, thâu thập và xếp lại những trang sách. Những ngày tháng thân đau nhưng tâm tọai nguyện thanh thản là thời gian của giờ phút theo câu ông nói, ”sức cùng lực tận”, vẫn sống trong hạnh phúc của người cầm bút. Cái hạnh phúc có được ngay từ thời thanh niên do từ niềm đam mê viết lách cho đến bây giờ. Lòng ấm áp tình gia đình và tình bạn hữu, ông đã thực hiện được việc xuất bản quyển sách nầy. Trang sách mở đầu đã cho thấy hạnh phúc đó của ông: ”Thành kính dâng lên phương hồn của Song Thân. Thương mến tặng Nhàn… và tất cả các cháu nội ngọai, với kỳ vọng chúng sẽ là những cánh chim Việt tộc tự hào tung bay khắp bốn phương thế giới. LÊ VĂN LÂN”.

Xếp quyển sách lại sau khi đọc xong, nhìn hình bìa một lần cuối trước khi đặt lên giá sách, tôi mỉm cười với chính mình khi nhớ lại câu nói của người thiết kế hình bìa, nhà văn Võ Hương An:”Hình bìa là hai cái bùa chúc phúc, nghĩa là người đọc hên lắm. Thôi, tôi đi nhà in…”. Đúng rồi, thấy hoặc nghe được một điều chúc phúc là may mắn. Trực tiếp hay gián tiếp, ta nhận được tình cảm của người chúc. Nhận lấy lời chúc, hạnh phúc và nụ cười của họ đi theo lời chúc sẽ làm mình thư giãn để ta dừng lại nhìn rõ vào lòng mình, sẽ nghĩ đến và sẽ thực hiện việc đưa cái phúc vào được trong đời sống của chúng ta. Được như thế, ta giải mã và sẽ cởi được cái khóa của những phù phép và có thể tiếp nhận thế giới của những lá bùa, lời chú trong cái thấy của một tương quan huyền bí giữa vũ trụ và con người, trong phối kết đặc thù linh diệu tạo sự tự tin, sự an bình của thân và tâm, là mục đích của quyển sách nầy. Quyển sách tự nó là một Đạo Bùa rất Khoa học!

Giá khuyến mại" 300,000. Giá cũ: 500,000vnđ
Ngoài ra chúng tôi còn các cuốn sách bùa chú huyền thuật khác.

Reviews
0.0 out of 5 stars (0)

Nhận xét

Sản phẩm này chưa có đánh giá.

Gửi nhận xétHãy là người đầu tiên viết nhận xét...

Đánh giá sản phẩm. Vui lòng chọn đánh giá từ 0 (thấp nhất) đến 5 sao (cao nhất).
Xin vui lòng viết bình luận (ngắn gọn)....(tối thiểu 100, tối đa 2000 ký tự)

Số ký tự:

Linh Quang Bảo Điện

Payment Methods